Giai thoại Làng_Thủy_Ba

Cũng có giả thiết kể rằng, lúc đó nhà Nguyễn mới xây xong kinh thành Phú Xuân, rừng rậm còn kề ngay phố chợ. Hổ thường xuyên xuất hiện quấy rối cuộc sống kinh đô, làm cho quan dân sợ hãi. Nghe tin có làng Thủy Ba Quảng Trị nổi tiếng bắt cọp, vua mới xuống chiếu mời các tráng đinh săn cọp về kinh đô diệt hổ để yên dân.

Nhà vua "điều động" thợ săn Thủy Ba vào kinh đô bắt hổ để làm gì? Đa số các nhà nghiên cứu đều cho rằng, ở Huế có trường đấu Hổ Quyền được xây dựng rất quy mô ở xã Thủy Biều. Đây là nơi xảy ra các cuộc chiến sinh tử giữa voi chiến triều đình với hổ, cho vua quan và thần dân được xem một năm vài lần. Một cuộc đấu không chỉ có vài con hổ mà có khi là hàng chục con hổ được nhốt từ trước.

Thợ săn Thủy Ba bắt cọp để phục vụ cho các trận đấu ở Hổ Quyền. Đoàn thợ săn cọp của Thủy Ba gọi là đoàn Vọng Thành. Trong bài viết "Tỉnh Quảng Trị" in trong tập san Đô Thành Hiếu Cổ (B.A.V.H) năm 1921 của đoàn Công sứ Pháp A. Laborde chép rằng: "Tại làng Thủy Ba Thượng ngày nọ, có một con quạ bay ngang và làm rơi một cái xương người. Một đồng cốt cho rằng đó là xương của một vị thần tên Mai Quý Đông. Lập tức người ta lập đền thờ thần, và thần thường nhập vào cốt đồng để dạy cho dân chúng nghề bắt hổ". Do đó dân Thủy Ba nổi tiếng có tài bắt hổ, và luôn được giao nhiệm vụ bắt hổ để giao đấu với voi triều đình. Đôi khi dân Thủy Ba mang đến Huế luôn cả cái bẫy hổ để dâng cho vua cái vinh dự được tự tay giết con hổ sa bẫy. Cuộc săn hổ cuối cùng của người Thủy Ba ở Huế xảy ra dưới thời vua Thành Thái năm thứ 17, là năm những người săn hổ thành lập một đội săn hổ có tên là Vọng Thành. Đó cũng là năm mà trận đấu hổHổ Quyền cuối cùng được tổ chức tại Huế[6].